EnglishChinese

Đến Hà Giang thăm Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì

16/10/2013, 15:30
Vùng vẫy trong thác nước ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì, Hà Giang hẳn không phải ai cũng thích điều đó. Nhưng, mùa này nếu đã đặt chân đến với vùng đất của những tuyệt phẩm ruộng bậc thang thì thật khó cưỡng lại được tiếng thác đổ nước láng núi thành mặt “gương trời”.
Ruộng bậc thang là một loại hình canh tác tương đối phổ biến, có mặt ở rất nhiều quốc gia mà tiêu biểu là các nước thuộc khu vực Đông Nam Á như: Việt Nam, Lào, Thái Lan, Philipin, Inđônêxia và một số tỉnh phía nam Trung Quốc.

Tại Việt Nam hệ thống ruộng bậc thang là phương thức sản xuất của rất nhiều dân tộc sinh sống ở miền núi phía Bắc như: La Chí, Hà Nhì, Mông, Dao, Nùng... Mỗi dân tộc lại có quá trình hình thành và phát triển sản xuất trên ruộng bậc thang khác nhau, những tập quán, những cách thức canh tác cũng như những nghi lễ, tín ngưỡng nông nghiệp không giống nhau. 

 

Nằm e ấp dưới chân núi Tây Côn Lĩnh, thời gian gần đây thị trấn Quang Vinh lại nhộn nhịp khách ghé qua, những người ưa mạo hiểm, đi tìm sự độc đáo trên những nấc ruộng bậc thang. Nếu vùng địa đầu Tổ quốc, Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang trứ danh với cột cờ chủ quyền sừng sững giữa miên man đá núi do thiên nhiên ban tặng thì Hoàng Su Phì được ví như những nét phác họa tuyệt mỹ từ chính đôi bàn tay người nông dân. Những mùa lúa chín trên những thửa ruộng bậc thang làm mê hoặc lòng người, còn mùa này, nước đổ ải như bản nhạc giao hòa của thiên nhiên láng gương vào mặt núi tạo nên sự quyến rũ lạ thường.

 

Nằm trên quốc lộ 2, từ thị trấn Tân Quang đến thị trấn Vinh Quang, huyện lỵ Hoàng Su Phì khoảng 60 km. Đường tuy quanh co nhưng dễ đi. Chừng nửa quãng đường đi từ quốc lộ 2 đến huyện lỵ là bạn bắt đầu lạc vào mê cung của ruộng bậc thang, những nấc ruộng tuyệt tác, trắng nước mênh mông trên thang núi. Trong mùa đổ ải, đó là ngày của những “kỹ sư” thủy lợi thể hiện sự tài tình dẫn nước từ trên cao về núi, đưa nước từ ruộng thấp lên cao. Nhiệm vụ này của người nông dân được người khám phá mệnh danh cho là kỹ nghệ đưa nước lên đồng. Chứng kiến sự kỳ tài của máng nước, cách dẫn nước lên đồng, ta mải bước chân theo họ len từng nấc ruộng, vừa đi vừa nghe tiếng thác đổ như bản nhạc nước giữa núi rừng, chợt ngoảnh lại, bước chân ta đã lên đỉnh cao của nấc thang tự bao giờ.

 

Hoàng Su Phì thường được nhắc đến tên bản Luốc với những “nấc thang trời” chìm vào cõi mây. Ta đứng dưới chân bản ngước mắt lên nhìn bậc cao trên núi, sẽ ngỡ mình như đang đứng dưới cột gương khổng lồ của trời đất. Ngược đường ngựa thồ lên đỉnh bản, nơi có đền thờ 13 pho tượng đất sét để rồi thu vào ống kính máy ảnh những cung bậc kỳ diệu của thiên nhiên. Nếu ta có mặt ở nơi này vào lúc trời chiều, ánh hoàng hôn sẽ hắt rọi hư ảo mặt ruộng trở nên lung linh hiếm thấy, nếu ta đến vào ban mai, bình minh sẽ nhuộm vàng mặt nước, biến mênh mông của ruộng bậc thang thành một dải yếm vàng chạy từ núi này sang núi khác. Và chợ phiên Hoàng Su Phì ngày thứ 7 cũng mang lại cho người đến một điều thú vị, không chỉ sắc màu vùng cao mà còn là nơi “khoe” sản vật. Đó là rượu ngô, thịt treo gác bếp, lợn “tên lửa”… và ta sẽ đặt câu hỏi khi chứng kiến ở chợ này chỉ có phụ nữ bán rượu chứ không hề có bóng dáng người đàn ông. Đó là quan niệm trở thành phong tục, người uống rượu sẽ không bao giờ đi bán rượu.


 

Trang 2 / 2 « 1 2