Đây là đèo cao nhất trong các đèo ở Việt Nam (khoảng 500m so với mực nước biển), đầy hiểm trở và cũng là đỉnh núi cuối cùng của một mạch Trường Sơn đâm ngang ra biển. Trong Phủ Biên tạp lục, Lê Quý Đôn từng nhận xét: Hải Vân dưới sát bờ biển, trên chọc từng mây là giới hạn của hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam. Hơn 6 thế kỷ trước, vùng đất này thuộc về 2 châu Ô, Rí của vương quốc Chămpa, được vua Chămpa là Chế Mân cắt làm sính lễ cầu hôn công chúa Huyền Trân đời Trần. Hiện nay, đèo Hải Vân là ranh giới giữa tỉnh Thừa Thiên - Huế và thành phố Đà Nẵng.
Ngay trên đỉnh dèo, dấu vết tiền nhân vẫn còn để lại: những cửa đèo và thành lũy đắp ngang. Cửa trông về phủ Thừa Thiên đề ba chữ: Hải Vân Quan, cửa trông xuống Quảng Nam đề Thiên hạ đệ nhất hùng quan (đây là từ đề tặng của vua Lê Thánh Tôn khi dừng chân ngắm cảnh nơi này). Thật vậy, từ Nam chí Bắc, không có nơi nào đèo cao chênh vênh, cảnh đẹp lung linh, huyền ảo như Hải Vân. Đường đèo quanh co, khúc khuỷu men theo triền núi, uốn lượn như dãi lụa vắt ngang giữa trời mây. Chỉ căn cứ vào tên gọi, cũng đủ hình dung Hải Vân là thế giới của gió và mây. Gió như đàn ngựa giong ruổi dặm trường, mây như từ trên trời tuôn xuống. Bước chân người đến đây như lạc vào cõi nào khác lạ, huyền ảo khói sương. Cao Bá Quát, một nhà thơ một đời chỉ biết lạy hoa mai (Nhất sinh đê thủ bái hoa mai) cũng đã phải sững sờ: Nhất bích ngưng vi giới, Trùng vân nhiễu tác thành (Biếc một dãi làm mốc, Mây muôn trùng dựng thành). Cũng từ đây, vào những ngày đẹp trời, du khách có thể thấy rõ toàn cảnh thành phố Đà Nẵng, Cảng Tiên Sa - Bán đảo Sơn Trà, Cù Lao Chàm... và những bãi cát vàng chạy dài ôm lấy mặt nước bao la trong xanh của biển.
Những gì thiên nhiên ban tặng, qua thời gian và qua bàn tay con người, sẽ trở thành những giá trị nhân văn. Đến Hải Vân là đến với nơi giao thoa giữa hai vùng đất, là thỏa mãn tâm lý chiếm lĩnh đỉnh cao, hòa mình trong âm vọng sử thi của bao dấu chân người Việt xưa đi mở cõi, bồi hồi thương nhớ quá khứ thẳm sâu của một khúc ruột miền Trung.