Khu du lịch Thới Sơn
Từ thành phố Mỹ Tho, chỉ cần 45 phút trên sông, du khách đã có thể đến một cù lao rộng 1.100ha mang tên Thới Sơn. Khách đến Thới Sơn có thể xuống đò chèo xuôi theo những con rạch ngoằn ngoèo giữa hai hàng dừa nước, thủy liễu ven sông luôn nghiêng mình đón chào. Hay tản bộ dưới những tán cây xanh um, mát rượi, tự tay hái trái ngon, thưởng thức món ăn đậm đà chất Nam bộ và ngắm một đêm Thới Sơn thanh bình, huyền diệu với trăng sao soi mình trên sóng nước lung linh, cùng bạn bè ngồi đối ẩm, lắng nghe giọng ca ngọt ngào của các cô thôn nữ qua các điệu đàn điêu luyện của các nghệ nhân đờn ca tài tử.
Chợ nổi Cái Bè
Chợ nổi Cái Bè xuất hiện trong sự hình thành một thị trấn nhỏ bên dòng sông Tiền lộng gió. Đến vàm Cái bè, trên một khúc sông rộng, du khách sẽ được tận mắt nhìn thấy cảnh buôn bán tấp nập. Hàng ngày, có khoảng 400 đến 500 thuyền đầy ắp các loại trái cây neo dọc hai bên sông chờ thương lái đến cất hàng. Ghe xuồng như mắc cửi, tiếng nói cười rộn rã, huyên náo - cái huyên náo không dễ lẫn mà chỉ riêng miền sông nước Cửu Long mới có, mang một nét quyến rũ đặc biệt. Nằm về phía hữu ngạn chợ nổi Cái Bè là cù lao Tân Phong, xưa là Cồn Cù, thuộc châu Định Viễn, dinh Long Hồ, được hợp thành bởi 6 hòn đảo xinh xắn có tổng diện tích 2.430ha. Tân Phong như hòn ngọc xanh giữa dòng sông Tiền trĩu nặng phù sa, nổi tiếng với những vườn chôm chôm quả to và ngọt. Đây còn là hình ảnh thu nhỏ của miền Tây Nam bộ hấp dẫn du khách đến với văn minh miệt vườn.
Khu du lịch biển Tân Thành
Từ thành phố Mỹ Tho đi thêm 50km theo quốc lộ 50, du khách sẽ đến biển . Khu du lịch biển Tân Thành, thuộc huyện Gò Công Đông. Nơi đây có bãi cát dài 7km, nhìn ra biển là khu du lịch Cồn Ngang cách bờ khoảng 1 giờ đi đò máy. Cồn Ngang có hình vòng cung với hai đầu là hai bãi cát lớn, hiện đang được đầu tư trở thành khu du lịch với nhiều dịch vụ: nghỉ biển, tắm nắng, thể thao trên nước,...
Trại rắn Đồng Tâm
Cách Mỹ Tho 12km là trại rắn Đồng Tâm - một trung tâm nuôi rắn lấy nọc xuất khẩu, kết hợp trồng nhiều loại cây dược liệu và nghiên cứu điều trị rắn cắn cho nhân dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, nơi đây còn là một khu vườn thật đẹp - tổ ấm cho đủ các loại chim và động vật quý tại Nam bộ.
Vùng Đồng Tháp Mười
Nông trường khóm Tân Lập ở vùng Đồng Tháp Mười chính là thành quả lao động của những người nông dân cần mẫn trên mãnh đất chua phèn. Đến đây, du khách sẽ được hưởng hương vị đậm đà của sản vật Đồng Tháp Mười, thấy cảnh hoang sơ của những cánh rừng - địa danh đã đi vào lịch sử Việt Nam qua bao cuộc đấu tranh giữ nước.
Cầu Mỹ Thuận
Ngày 21/5/2000, cả nước rộn rã trong không khí chào mừng khánh thành cây cầu dây văng lớn nhất Việt Nam: cầu Mỹ Thuận.
Cầu Mỹ Thuận với tổng chiều dài 1.535m, hai cầu dẫn mỗi bên 11 nhịp, phần cầu chính chia thành 3 nhịp, mặt cầu rộng 24m đã trở thành một công trình thế kỷ của sự hợp tác giữa các chuyên gia, kỹ sư và công nhân hai nước Việt Nam - Australia. Không chỉ đóng vai trò là cầu nối giữa hai tỉnh Tiền Giang - Vĩnh Long, cầu Mỹ Thuận còn mang trong mình nét tuyệt vời về thẩm mỹ, thu hút khách du lịch ở mọi miền.
Những làng nghề
Nghề làm mắm tôm chà ở Gò Công: được mệnh danh là món Tứ Cung, một trong 52 món cung đình được chúa Nguyễn chuyên dùng. Món này được làm từ tôm bạc nghệ xay nhuyễn, ướp gia vị rồi phới nắng, mang một hương vị đặc trưng của quê biển Gò Công.
Làng nghề thủ công mỹ nghệ: chủ yếu là nghề đóng tủ thờ ở Gò Công, được làm bằng gổ quý, trãi qua 3 công đoạn chính: khắc, lộng, chạm trổ. Nghề này đòi hỏi tay nghề cao, khéo léo của những người thợ trong từng đường cưa mũi đục. Sản phẩm mang trong mình cả một niềm tâm huyết và giá trị nghệ thuật độc đáo