EnglishChinese
Hội An

Thành Phố Hội An nằm bên bờ sông Thu Bồn. Nơi đây xưa kia đã có một thời nổi tiếng với tên gọi Faifoo mà các thương nhân Nhật Bản, Trung Quốc, Bồ Ðào Nha, Italia v.v.. đã biết đến từ thế kỷ 16, 17. Từ thời đó, thương cảng Hội An đã thịnh vượng, là trung tâm buôn bán lớn của vùng Đông Nam Á, một trong những trạm đỗ chính của thương thuyền vùng Viễn Ðông.


Thắng cảnh Bàn Than (Quảng Nam): “Hợp ca” của đá và nước

29/10/2013, 14:56
Nằm cách thị trấn Núi Thành hơn mười cây số về phía đông, thắng cảnh Bàn Than được biết đến như một niềm tự hào của người dân xã đảo Tam Hải. Đây là một trong những bãi đá ngoạn mục của khu vực duyên hải miền Trung…

Với độ cao chênh vênh trên 40m so với mực nước biển, mỏm Bàn Than dựa sát vào vách núi. Đá ở đây như thể có đôi bàn tay tài tình nào đó của tạo hóa khéo léo tạo hình, xếp đặt với muôn hình vạn trạng. Đá như những thân hình cao lớn đứng sát bờ, đá ngổn ngang như binh đoàn thủy tộc tản dạt ra tứ phía. Những hoa văn mà sóng và gió đã chạm khắc vào đá càng làm cho cuộc thưởng ngoạn của du khách thêm phần hào hứng. Đá chìm trong nước càng đẹp mắt và thu hút hơn với sắc đen tuyền. Nước trong đá trắng xóa tuôn trào bọt bể  tạo nên những âm thanh trong trẻo. Bản hợp ca ngọt ngào của đá và nước Bàn Than tấu lên khúc tình ca da diết…
Bàn Than được coi là điểm đến lý tưởng cho những ai thích thám hiểm và chinh phục. Để thưởng ngoạn được vẻ đẹp toàn cảnh của Bàn Than, phải men theo sát triền đá suốt chiều dài gần 3km từ bãi Nồm sang bãi Bắc. Phải khéo léo để không bị trượt ngã. Có như thế thì hành trình khám phá của bạn mới thêm thú vị. Khi đã đến những đoạn đường “thở dốc” thì thiên nhiên nơi đây đã ưu ái ban tặng cho bạn những phiến đá phẳng lỳ để dừng chân nghỉ ngơi dưới gốc dứa núi mát rượi. Đừng ngần ngại để một lần được ngả mình trên đá, hướng đôi mắt lên nền trời xanh thênh thang ngắm nhìn chú hải âu đang vút cao đôi cánh.

 

Nếu bãi Nồm rộng lớn, thơ mộng, hữu tình và khoáng đạt như một chốn thần tiên thì bãi Bắc lại hiểm trở với vách đá sát núi dựng đứng, vực khe sâu hoắm. Hình thái đá cũng có sự đổi khác ở hai khu vực này. Đá ở bãi Bắc vạm vỡ xếp chồng lên nhau theo dạng bậc thang, còn đá ở bãi Nồm lại trải rộng ra trên một địa hình tương đối bằng phẳng. Ngạc nhiên hơn tại bãi Nồm là sự xuất hiện của những tảng đá tổ ong to lớn nằm xen lẫn hoặc xếp chồng lên những khối đá than đen thẫm. Đá ong tại khu vực này tuy chỉ lưa thưa nhưng cũng đủ điểm xuyết cho không gian thêm đa sắc, đa chiều. Nổi bật lên trên nền biển xanh là hai tảng đá sừng sững mà dân gian vẫn gọi tên là “ông Đụn - bà Che”. “Ông Đụn” mang dáng dấp to lớn hiên ngang của người chồng phóng tầm mắt ra phía nghìn trùng khơi xa ngóng đợi đứa con về. “Bà Che” nép vào phía trong như người vợ tào khang, suốt đời tận tụy, chăm chút cho chồng. Câu chuyện cảm động về sự tích ông Đụn – bà Che hóa thân vào đá ngày nào vẫn còn được người dân xứ biển gìn giữ truyền tụng mãi cho tới hôm nay, như một niềm thương cảm vô bờ bến về sự mong manh của nghề chài lưới và tình cảm vợ chồng thủy chung son sắt của con người nơi đây.
Từ khơi xa, ánh hoàng hôn thật khẽ khàng đã choàng đôi tay êm ả lên tảng đá ông Đụn - bà Che. Ở giữa khoảng không của hai tảng đá ấy, nhiều người đã nhìn ra hình thù của đá mang dáng dấp một đôi mắt đang mở to. Giọt nắng cuối ngày rớt vào khe mắt ấy bỗng hóa thành khoảng không thênh thang. Leo ngược lên dốc đá ở bãi Bắc, là đến đỉnh núi Bàn Than. Trước khi men theo con đường lau lách để trở về, hãy thật khẽ khàng để ngắm nhìn một lần nữa quang cảnh đẹp đẽ nơi đây, để lắng nghe thật sâu giai điệu du dương của đá và nước Bàn Than như một lời tự tình muôn thuở
Trang 1 / 2 1 2 »